Nhật Bản xâm lược (1609) Vương_quốc_Lưu_Cầu

Bài chi tiết: Xâm lược Lưu Cầu

Khoảng năm 1590, Toyotomi Hideyoshi yêu cầu Vương quốc Lưu Cầu trợ giúp cho chiến dịch xâm chiến Triều Tiên (nhập Đường). Nếu thắng lợi, Hideyoshi dự định tiến quân đánh Trung Quốc. Vì Vương quốc Lưu Cầu là chư hầu của nhà Minh, yêu cầu này bị từ chối. Mạc phủ Tokugawa nổi lên sau sự suy sụp của nhà Toyotomi trao quyền cho gia tộc Shimazuđại danh của phiên Satsuma (ngày nay là tỉnh Kagoshima)—gửi đinh chinh phạt Lưu Cầu. Việc chiếm giữ Lưu Cầu diễn ra khá nhanh, với sự kháng cự vũ trang tối thiểu. Sau khi tràn vào kinh thành Shuri, quân Nhật đã cướp đi hầu hết những di sản văn hoá quý báu của Lưu Cầu trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo của văn hoá châu Á vốn được lưu giữ tại vương quốc qua nhiều thế kỷ. Trước khi rút quân của đảo, quân Satsuma đã bắt quốc vương Shō Nei cùng hơn 100 triều thần, án ti của Lưu Cầu đưa về Kagoshima. Đến năm 1610, quốc vương lại bị đưa đến Edo để diện kiến Tướng Quân Tokugawa Hidetada. Sau đó, quốc vương Lưu Cầu đã bị buộc phải tuyên thệ ba điều, trong đó có đoạn "các đảo Lưu Cầu đã phụ thuộc vào chính quyền phong kiến Satsuma" và hứa sẽ mãi trung thành với Satsuma; các triều thần và án ti của Lưu Cầu bị bắt cũng phải hứa làm theo lời tuyên thệ này. Satsuma cũng đặt ra 15 quy định, trong đó có điều khoản "không cho phép một thương nhân Lưu Cầu nào thực hiện các quan hệ buôn bán mà không có chấp thuận bằng văn bản của Satsuma". Mùa thu năm 1611, quốc vương Sho Nei cùng các triều thần và án ti được trở về Lưu Cầu tiếp tục cai quản. Trong thời gian 3 năm đó quốc vương bị bắt, Satsuma đã thiết lập một chính quyền quân sự tạm thời để cai quản Lưu Cầu, Satsuma cũng phái các phụng hành và viên chức đến Lưu Cầu để tiến hành thống kê các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị của vương quốc để làm cơ sở đưa ra các biện pháp quản chế thích hợp. Tuy nhiên, Satsuma đã sáp nhập các hòn đảo thuộc quần đảo Amami vào khu vực thuộc chủ quyền của Nhật Bản.[6]